BẠN CÓ THỂ CHIẾN THẮNG ĐƯỢC “TAY TO” (BIG BOYS), TẠI SAO KHÔNG?

BẠN CÓ THỂ CHIẾN THẮNG ĐƯỢC “TAY TO” (BIG BOYS), TẠI SAO KHÔNG?

1.Làm sao chúng ta có thể chiến thắng được “tay to” (Big Boys, BBs)?
Đây là câu hỏi thường trực trong đầu mỗi nhà đầu tư cá nhân (đặc biệt là mỗi khi thua lỗ!). Bạn vẫn luôn nghe mọi người nói rằng thị trường chứng khoán chỉ dành cho BBs, dành cho dân chuyên nghiệp có nhiều thông tin nội bộ. Nhà đầu tư cá nhân chỉ có thua lỗ chứ đừng nói đến chuyện đánh-bại-thị-trường.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cho bạn những câu chuyện thực tế về những điểm yếu cố hữu mà BBs gặp phải. Bạn sẽ thấy rằng bạn may mắn khi mình là 1 nhà đầu tư cá nhân!
Hãy cảm thấy may mắn khi bạn là 1 nhà đầu tư cá nhân!
BBs tôi muốn nói đến ở đây là các quỹ đầu tư, khối đầu tư, tự doanh ở các công ty chứng khoán, những công ty hoặc nhóm nhận ủy thác quản lý tài khoản với tổng vốn đầu tư lớn, tối thiểu phải trên 100 tỷ.

2. Vậy, bạn có thể thắng được BBs không?
Để trả lời câu hỏi này trước tiên bạn cần xác định chi tiết hơn ở bên kia chiến trường đối thủ của bạn thực sự là ai. Các quỹ đầu tư, khối đầu tư ở các công ty chứng khoán luôn có 1 đội ngũ đông đảo những chuyên gia phân tích, bằng cấp CFA, MBA, Thạc sĩ… có đủ cả.
Mỗi bạn phân tích sẽ luôn được phân giao nghiên cứu và theo dõi 1 số ngành, 1 số doanh nghiệp cụ thể, một số bạn được phân giao phân tích, đánh giá vĩ mô và tình hình thế giới. Tính chuyên môn được đặt lên mức độ cao nhất. Các dữ liệu về vĩ mô hay doanh nghiệp cũng được mua từ những nền tảng dữ liệu đầy đủ và cập nhật nhất như Bloomberg, Reuters hay Stoxplus.
Chưa hết, BBs còn có khả năng cập nhật rất nhanh thông tin từ phía doanh nghiệp. Thông thường nếu tôi xác định một cổ phiếu nằm trong mục tiêu đánh giá của mình, tôi có thể dễ dàng liên hệ với phía doanh nghiệp và đặt lịch hẹn với đại diện công ty để đặt câu hỏi về chiến lược, tình hình kinh doanh hiện tại của công ty.
Ở hầu hết các doanh nghiệp, đại diện của họ luôn chào đón các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán (vẫn có 1 số trường hợp BLĐ doanh nghiệp không ưa các quỹ và công ty chứng khoán). Chỉ trong vòng khoảng 1 – 2 tuần là BBs đã có gần như đầy đủ những thông tin cập nhật nhất từ phía doanh nghiệp, bao gồm cả những thông tin ước tính mà chưa lên báo cáo công bố ra bên ngoài. Nhà đầu tư cá nhân đương nhiên không thể làm được điều này. Nhưng thực tế, tôi cho rằng nhà đầu tư cá nhân có chiến lược và triết lý đầu tư rõ ràng sẽ dễ dàng chiến thắng được BBs.
3.Điểm yếu của Big Boys
BBs có lợi thế lớn về tiền, con người và mối quan hệ. Tuy nhiên, BBs có nhiều điểm yếu rất lớn trong đầu tư mà nhà đầu tư cá nhân có thể tận dụng để tìm thấy lợi thế cho mình. Đừng nghĩ rằng BBs là ghê gớm, là có thể làm giá thị trường và là “kẻ chắc chắn thắng”.

3.1 Điểm yếu 1: Thanh khoản
Nếu tôi đang đầu tư với số vốn nhỏ, tôi sẽ thực hiện gần như khác hoàn toàn cách chúng ta đang làm. Hàng nghìn cơ hội và lựa chọn khác sẽ xuất hiện nếu bạn chỉ đầu tư 10.000 nghìn USD thay vì 100 tỷ USD, bạn sẽ không nhất thiết phải mua toàn bộ 1 công ty. Chắc chắn bạn sẽ có 1 lợi nhuận rất cao với một số vốn nhỏ.” – Warren Buffett. (Đọc thêm: Cách đọc báo cáo tài chính của Warrent Buffett )
Thông thường với 1 BBs, một lần mua bán cổ phiếu có giá trị tối thiểu khoảng 100 tỷ VNĐ. Mỗi phiên giao dịch có thể giải ngân từ 4 – 5 tỷ làm sao để đạt các yêu cầu về giá và không làm ảnh hưởng quá nhiều về giá (trừ một số ít trường hợp mua thỏa thuận).
Xét trên thị trường Việt Nam hiện tại, không có quá nhiều lựa chọn cho BBs để có thể mua, chỉ khoảng 50 – 60 cổ phiếu đạt yêu cầu về thanh khoản (chưa kể đến định giá, chất lượng đầu tư). Chưa kể đến việc có quá nhiều BBs làm cho “cuộc chơi” trở nên chật chội, khốc liệt hơn rất nhiều.
Mua đã khó, bán còn khó hơn rất nhiều!
Nếu có bạn bè làm ở quỹ đầu tư hay khối đầu tư ở công ty chứng khoán, bạn có thể hỏi để kiểm chứng điều này.
Tất cả các BBs đều phải tính toán trước điểm thoái vốn (exit point). Đội ngũ đầu tư sẽ phải đặt cổ phiếu vào trong 1 kịch bản căng thẳng (stress scenario) để đánh giá khả năng thanh khoản của cổ phiếu và ước tính exit point với một lượng lớn cổ phiếu, đảm bảo giá cổ phiếu không giảm nhanh và bảo toàn được lợi nhuận.
Có những câu chuyện “dở khóc dở cười” là đôi khi bạn nhìn thấy các quỹ nắm giữ 1 cổ phiếu rất nhiều năm 3 – 5 năm, nhiều khi giá giảm mạnh rồi vẫn “quyết tâm” nắm giữ, vì thế bạn nghĩ rằng đã là quỹ thì phải nắm giữ lâu như thế.
Thực tế trong nhiều trường hợp, thanh khoản sụt giảm quá nhiều so với thời điểm quỹ mua, quỹ không bán được nữa và đành “ngậm đắng” nắm giữ bất đắc dĩ.
Những hạn chế này làm cho số lượng các cơ hội đầu tư của BBs sẽ còn lại rất ít vì cho dù cổ phiếu đang rất hấp dẫn, họ cũng không thể mua đủ số lượng và không đảm bảo được lợi nhuận khi bán ra, việc mua cổ phiếu khi đó chỉ làm tăng rủi ro mất vốn.
Bạn có thể kiểm chứng điều này bằng việc “soi” danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán, bạn sẽ thấy các cổ phiếu trong danh mục của họ trùng nhau rất nhiều, đơn giản là vì họ không có những lựa chọn tốt hơn.
Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân với số vốn ít (kể cả là với 10 – 20 tỷ) cũng đồng nghĩa với số lượng cơ hội đầu tư cũng nhiều hơn. Bạn có thể dễ dàng mua, bán toàn bộ trạng thái của mình chỉ trong 1 phiên giao dịch. Bạn cũng dễ dàng lựa chọn những cổ phiếu có vốn hóa trung bình, với tốc độ tăng trưởng đột biến và tỷ suất sinh lợi cao (thậm chí bằng lần!).

3.2 Điểm yếu 2: Quyền kiểm soát và cơ cấu danh mục
Tiền của BBs thực tế chính là tiền huy động từ nhà đầu tư cá nhân thông qua quỹ và ủy thác đầu tư. Vì đầu tư chứng khoán bằng tiền của người khác và với quy mô lớn nên BBs cần có các quy trình và thủ tục chặt chẽ trong việc sử dụng số tiền đó.
Khi một quỹ được thành lập, nó phải tuân thủ điều lệ quỹ với những quy định về tỷ trọng phân bổ vào từng ngành nghề, quy định về tỷ trọng tối đa được phép phân bổ vào 1 cổ phiếu cụ thể, ngoài ra còn có các cam kết về mức hiệu quả so với chỉ số tham chiếu.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược (hay cách đầu tư, style) của người quản lý quỹ. Ví dụ nếu quỹ có style mục tiêu là cổ phiếu đầu tư giá trị, khi đó người quản lý quỹ sẽ không thể mua những cổ phiếu tăng trưởng, cho dù đó là những cổ phiếu có thể đem lại lợi nhuận rất cao.
Vì chịu rất nhiều áp lực từ phía nhà đầu tư nên người quản lý quỹ sẽ tránh (thường là không thể) thay đổi chiến lược (style) của mình, kể cả trong những giai đoạn thị trường không phù hợp với chiến lược đó.
Ngược lại, là một nhà đầu tư cá nhân, bạn hoàn toàn thoải mái trong việc thiết lập các nguyên tắc đầu tư của mình. Bạn cũng dễ dàng lựa chọn các cơ hội đầu tư mà không bị giới hạn theo 1 style nào cố định, không phải tham chiếu theo 1 chỉ số nào. Bạn có thể dễ dàng cơ cấu danh mục theo đầu tư giá trị hoặc đầu tư tăng trưởng phù hợp với từng giai đoạn của thị trường.

3.3 Điểm yếu 3: Tính ổn định vốn dài hạn
Khi bạn đầu tư vào chứng khoán, bạn sử dụng số tiền mà bạn tiết kiệm được. Số tiền này có thể xem là dài hạn vì bạn có thể ko dùng đến nó trong nhiều năm, tối thiểu là 2 – 3 năm.
Đầu tư chứng khoán là lĩnh vực mà góc nhìn dài hạn là yếu tố quyết định cho sự thành công. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ mọi người thường nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn của 1 quỹ đầu tư: “Lợi nhuận bình quân 5 năm có vẻ tốt đấy, nhưng lợi nhuận từ đầu năm đến giờ được bao nhiêu?”
Qua đây tôi cũng mong những NĐT cá nhân nhận thức rõ về điểm mạnh yếu của mình để đưa ra chiến lược phù hợp. Trong cơn sóng thị trường này, rõ ràng NĐT cá nhân đã thể hiện sức mạnh của những ưu điểm kể trên.