Đầu tư hiệu quả - WinTrades

WinTrades Blog​

Kiểm định lại kháng cự xu hướng 1041 22/3/2023

Vnindex tăng 0.91% lên 1032.43 điểm. Vn30 tăng 1.03% lên 1035.04 điểm. Dòng tiền sụt giảm trên cả 2 chỉ số khi thanh khoản trên Vnindex giảm hơn 20%, mức độ sụt giảm ít hơn ở chỉ số Vn30 khi khối lượng giao dịch chỉ giảm 5% so với phiên giao dịch liền kề. Động lực chính giúp thị trường tăng điểm chủ yếu trong nhóm Vn30 và phân hóa mạnh trên nhóm midcap. Nhóm liên quan đến đầu tư công giúp ổn định tâm lý khi duy trì trạng thái giao dịch tích cực ngay từ đầu phiên. Xu hướng hồi phục được mở rộng và thăng hoa về cuối phiên với cầu ngoại bất ngờ quay lại mua ròng và đẩy hàng loạt các cổ phiếu bluechips tăng mạnh. Dòng hưởng lợi từ nhóm này (chứng khoán) cũng quay đầu tăng điểm và thậm chí còn lọt vào nhóm tăng tốt nhất thị trường phiên ngày hôm qua. Trạng thái thị trường đang ở trong giai đoạn "nỗ lực tăng giá", việc các thị trường lớn trên thế giới hồi phục khi rủi ro về sự sụp đổ của các ngân hàng nhỏ giảm bớt giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn. Thêm vào đó, khối ngoại cũng bắt đầu mua ròng trở lại (khả năng cao là fubon giải ngân) cũng là hỗ trợ tốt cho nhóm Vn30 vốn là nhóm có tác động lớn nhất đến chỉ số. Về mặt kỹ thuật, cả 2 chỉ số chính đều đang quay trở lại kiểm định lại vùng kháng cự bình quân 20 ngày tương ứng với ngưỡng 1041 của chỉ số Vnindex sau khi mở rộng vị thế xuống bên dưới trong phiên giao dịch trước đó. Thanh khoản thấp và sự phân hóa mạnh rõ ràng cho thấy sự phục hồi này chưa chắc chắn và không thể nói rằng thị trường "đã đảo chiều". Thêm vào đó, ngày hôm nay FED sẽ công bố chính sách lãi suất mới, giới đầu tư đang kỳ vọng FED sẽ bớt diều hâu hơn trước áp lực lạm phát giảm bớt và cuộc khủng hoảng ngân hàng gây đây. Vì vậy, nhà đầu tư tiếp tục quan sát diễn biến và sự phản anh vào giá của thị trường trong các phiên tới. Trong trường hợp thị trường có lực cầu đủ tốt và có thể lấy lại được vùng giá phía trên vùng 1041, nhà đầu tư có thể cân nhắc mở các vị thế giao dịch theo xu hướng. 

Lực bán tăng mạnh, Vnindex thất bại trước kháng cự 1065 điểm 17/3/2022

  Áp lực từ sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam gục ngã trước ngưỡng cửa thiên đường. Theo đó, chỉ số VNindex quay đầu giảm 14.79 xuống 1047.40 điểm, đà bán còn mạnh hơn trên nhóm Vn30 khi chỉ số này giảm hơn 17.39 điểm xuống 1046.99 điểm. Dòng tiền sụt giảm mạnh so với phiên giao dịch liền kề khi khối lượng giao dịch của cả hai chỉ số đều sụt giảm khoảng 20%, trong đó thanh khoản trên HOSE đã giảm xuống mức thấp hơn ngưỡng bình quân 20 tuần. Khối ngoại tiếp tục giải ngân ròng 145 tỷ đồng trên HOSE tập trung vào một số nhóm ngành: thép, bán lẻ, điện, chứng khoán… trong khi tự doanh đỡ ròng 41 tỷ đồng, đáng lưu ý nhóm này mua đột biến chứng chỉ FUEVFVND – vndiamond với giá trị lên đến 120 tỷ đồng. Diễn biến giao dịch tích cực đầu phiên của VIC và nhóm chứng khoán không giúp thị trường thoát khỏi một phiên giảm giá mạnh. Đến cuối phiên giao dịch, chỉ còn duy nhất nhóm bất động sản có thể duy trì biến động tăng giá nhẹ, nhưng độ rộng vẫn lệch hẳn về phía bên bán với 55 mã giảm giá chiếm hơn 60% tổng số mã trong nhóm này. Nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm bán tháo của các thị trường lớn trong phiên giao dịch của phiên Âu và Mỹ bất chấp Credit Suise thông báo họ có thể vay gần 54 tỷ USD từ Ngân hàng quốc gia Thụy Sỹ để bổ sung vào thanh khoản. Thêm vào đó, ECB như đổ thêm dầu vào lửa khi quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản bất chấp tình trạng hỗn loạn của lĩnh vực ngân hàng.   Thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn “nỗ lực tăng giá”, mặc dù biên độ giảm sâu nhưng áp lực phân phối vẫn chưa xuất hiện khi thanh khoản trên cả 2 chỉ số chính vẫn thấp hơn phiên giao dịch gần nhất. Về mặt kỹ thuật, Vnindex mặc dù giảm sâu nhưng chỉ quay trở lại biên độ tích lũy thu hẹp 1034 -1062 điểm và hỗ trợ SMA20 vẫn chưa bị xuyên thủng. Thêm vào đó, chúng tôi quan ngại rằng, diễn biến của thị trường có thể bị bóp méo bởi hoạt động đáo hạn phái sinh ngày hôm nay khi áp lực bán giảm sâu thực sự xuất hiện vào khoảng thời gian 15 phút trước giờ ATC - đây là khoảng thời gian dùng để tính giá thanh toán của hợp đồng. Nói một cách khác, những biến động của thị trường trong phiên hiện tại có thể không phản ánh đúng bản chất vận động cung cầu trong ngày. Vì vậy, thay vì hoảng loạn tháo chạy, nhà đầu tư nên quan sát diễn biến thị trường trong vùng giá 1034-1047 trong phiên giao dịch ngày thứ 6 cũng là phiên cuối cùng cơ cấu của ETF và đóng cửa nến tuần. Trong trường hợp thị trường tiếp tục phân phối mạnh và xuyên thủng vùng 1034 điểm chúng ta cần phải có hành động quyết liệt để bảo vệ an toàn của tài khoản.  

Thị trường bứt phá, chỉ số Vnindex tăng mạnh hơn 2% 16/3/2023

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một phiên giao dịch ngược chiều với chứng khoán trên thế giới Vnindex tăng 2.12% lên 1062 điểm. Chỉ số VN30 cũng tăng 2.61% lên 1064 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số chính đều lớn hơn ngưỡng bình quân 20 tuần. Thông tin bất ngờ về việc ngân hàng nhà nước hạ lãi suất điều hành khiến thị trường bùng nổ. Mở đầu là dòng tiền đổ mạnh vào nhóm chứng khoán, sau đó lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác như thép, xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng...với số mã tăng áp đảo hoàn toàn so với những mã giảm giá. Trái ngược với thị trường Việt Nam, Chứng khoán Châu Âu tiếp tục giảm sâu xuyên thủng đáy 2 tháng trước những lo ngại về hệ thống ngân hàng sau khi Credit Suisse thừa nhận những điểm yếu quan trọng trong báo cáo của mình và cổ đông lớn nhất đã từ chối bơm thêm bất kỳ khoản tiền nào nữa cho ngân hàng này. Một số ngân hàng ở ý cũng đã dừng giao dịch do khoản sụt giảm quá lớn, chỉ số hợp đồng tương lai DOW của mỹ cũng giảm hơn 400 điểm trong cùng thời điểm. Nếu như phân tích lại tiền lệ lịch sử không quá lạ khi thị trường chúng ta có thể đi ngược diễn biến thị trường chứng khoán thế giới. Chúng tôi có thống kê lại 4 lần SBV giảm lãi suất điều hành gần đây nhất thì có đến 3 trên 4 lần thị trường chứng khoán đều có sóng, lần duy nhất giảm năm 2020 khi thế giới bùng nổ đại dịch COVID. Về mặt kỹ thuật, với phiên đẩy điểm hơn 2%, cả Vnindex và Vn30 đều xuất hiện ngày tích lũy với giá được đẩy lên ngưỡng cao nhất kể từ thời điểm đầu tháng 03 cho đến nay. Chúng tôi không gọi đây là một ngày lấy đà bởi phiên đẩy giá hôm nay xuất hiện ở phiên thứ 11 kể từ khi thị trường tạo đáy 1113.37 điểm vào ngày 01 tháng 03 (trong khi ngày lấy đà thường xuất hiện vào phiên thứ tư đến phiên thứ bảy từ phiên tạo đáy). Các chỉ báo kỹ thuật phần lớn đang ủng hộ cho việc tăng giá khi (1) cả 2 chỉ số đều đóng cửa lại ở phía trên đường trung bình 20 và 50 ngày (2) việc SBV giảm lãi suất điều hành cho thấy đỉnh của lãi suất cũng tức là đáy của thị trường chứng khoán đang được thiết lập. Tuy vậy, việc đóng cửa ngay sát biên dưới của đường trendline giảm giá thứ cấp (1065 điểm) lại khiến cho phiên bứt phá “kém hoàn hảo”. Thêm vào đó, chúng tôi nhận thấy dòng tiền vẫn chưa có sự lan tỏa đủ lớn, quan sát kỹ diễn biến dòng tiền từng nhóm ngành, ngoài nhóm chứng khoán có khối lượng giao dịch áp đảo phiên trước đó, phần còn lại đa phần giao dịch quanh ngưỡng 40 đến 80% phiên phân phối liền kề. Nói 1 cách khác, có một phần dòng tiền vẫn thận trọng đứng ngoài thị trường ở các nhóm cổ phiếu ngoài chứng khoán. Một lý do nữa khiến chúng tôi quan ngại đó là phiên đáo hạn các hợp đồng phái sinh tháng ngày mai có thể tạo ra sự bóp méo nhất định đến chỉ số. Vì vậy, thay vì việc cố gắng mua đuổi, nhà đầu tư có thể quan sát thêm tín hiệu của thị trường và chờ tín hiệu bứt phá rõ ràng hơn ra khỏi vùng 1062 -1065 vào cuối phiên trước khi tiến hành mở các vị thế mua mới với giá cao.

Nỗ lực tăng giá - Áp lực phân phối mạnh trên midcap, Vnindex xuyên thủng hỗ trợ xu hướng 1047 15/3/2023

Vnindex giảm 12.67 điểm xuống 1040.13 điểm. Vn30 giảm 12.72 điểm xuống 1037.35 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số đều cao hơn ngưỡng bình quân 20 ngày, đáng chú ý khi khối lượng giao dịch trên Vnindex tăng vượt so với phiên giao dịch liền kề và hình thành phiên phân phối rõ ràng nhất kể từ khi chỉ số này tạo đáy ngày 1/3. Độ rộng thị trường nghiên hẳn về nhóm giảm giá với 288 mã giảm trên HOSE và dòng tiền phân bổ vào phía bán lên đến 8,847 tỷ (chiếm hơn 80% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường).   Việc khối ngoại và tự doanh mua ròng lần lượt 479 tỷ và 191 tỷ vào hầu hết các ngành chính có tác động đến chỉ số (ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép…) không giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Thị trường mặc dù có hồi phục so với giá thấp nhất nhưng lực bán của cá nhân áp đảo khiến chỉ số Vnindex vẫn đóng cửa trong vùng giá giảm sâu phiên giao dịch. Độ rộng thị trường cũng áp đảo sang số mã bán với biên độ giao động một số cổ phiếu trong nhóm midcap lên đến hơn 4%. Các nhóm ngành dẫn đầu không thể duy trì được lực cầu và đều xuất hiện dấu hiệu phân phối mạnh với biên độ sụt giảm hơn 2%: chứng khoán, thép, vật liệu xây dựng, xây dựng, dầu khí…trong khi không có ngành nào có diễn biến giao dịch tích cực. Các cổ phiếu tăng giá khá đơn lẻ và phụ thuộc vào câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp. Trạng thái thị trường đang ở trong giai đoạn “nỗ lực tăng giá”, nhóm VN30 vẫn chưa xuất hiện phiên phân phối, tuy nhiên trên Vnindex có phiên phân phối thứ 2 sau phiên “trì trệ” trước đó. Nỗi lo về cuộc khủng hoảng tài chính có thể lan rộng từ hiệu ứng SVB, phát ngôn diều hâu của FED và dòng tiền vào thị trường suy yếu gây áp lực lớn đến tâm lý nhà đầu tư và hành động bán hoảng loạn phiên nay là điều dễ hiểu. Về kỹ thuật, Vnindex đã không thể duy trì được vùng giá tích cực phía trên đường giá trung bình 20 ngày vừa vượt qua trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định thị trường sẽ quay trở lại khu vực giảm giá trước đó khi (1) hỗ trợ 1013 vẫn chưa bị xuyên thủng và (2) áp lực phân phối vẫn chưa đến mức rủi ro. Việc ngân hàng nhà nước công bố bắt đầu giảm lãi suất điều hành từ 15/3 và sự phục hồi của các thị trường lớn trong phiên giao dịch buổi tối (theo giờ Việt Nam) có khả năng sẽ là liều thuốc trấn an nhà đầu tư và giúp thị trường có những diễn biến giao dịch ổn định hơn phiên hôm nay. Do yếu tố rủi ro gia tăng, vì vậy thay vì việc bắt đáy mua đuổi, chúng tôi cần nhìn thấy những tín hiệu giao dịch lạc quan hơn của thị trường trước khi tiến hành giải ngân. Trong điều kiện tích cực, nếu lực cầu phản ánh thông tin cuối ngày đủ tốt và Vnindex có tín hiệu “từ chối” giao dịch ở dưới vùng giá trung bình 20 ngày, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần với các vị thế “mua khởi nguồn” và ngược lại nếu thị trường tiếp tục gặp áp lực bán phân phối trong phiên ngày 15/3 chúng ta nên cân nhắc đến việc đóng lại các vị thế giao dịch ngắn hạn kể cả việc đang nắm giữ các nhóm cổ phiếu có lợi thế tin tức trong trung hạn.

Nỗ lực tăng giá - Ngoại mua ròng mạnh hơn 900 tỷ, Vnindex đi ngược thị trường thế giới 14/3/2023

Vnindex giảm nhẹ 0.2 điểm xuống 1052.8 điểm. Vn30 tăng nhẹ 2.87 điểm lên 1050.07 điểm. Thanh khoản trên cả chỉ số đều tăng so với mức bình quân 20 ngày trong đó khối lượng giao dịch trên Vn30 tăng đột biến hơn 40% và là phiên có thanh khoản tốt nhất kể từ đầu năm cho đến nay. Lực cầu mạnh từ ngoại là nguyên nhân chính cứu vớt lại phiên sụt giảm mạnh của thị trường. Nhóm này mua ròng hơn 922 tỷ đồng vào hầu hết các nhóm ngành lớn có tác động vào điểm số: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, thép...và cân lại hầu hết phần nhà đầu tư cá nhân nội bán trong phiên ngày hôm qua. Các cổ phiếu của nhóm Ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh trên thế giới trong đó các ngân hàng ở Châu Âu có một ngày tồi tệ nhất trong hơn 1 năm qua với chỉ số ngân hàng SToxx giảm hơn 5% sau khi HSBC mua lại chi nhánh SVB của Anh với giá 1 bảng anh. Lợi suất trái phiếu chính phủ toàn cầu  suy giảm khi nhà đầu tư giảm bớt tỷ lệ đặt cược FED có khả năng mở rộng biên độ lãi suất cao hơn và tìm kiếm sự an toàn sau sự sụp đổ của SVB. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống 3.5% và lợi suất 2 năm mất gần 50 điểm cơ bản xuống 4.05%.  Tại Đức và Anh lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm cũng giảm xuống lần lượt còn 2.17% và 3.27%. Trạng thái thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn nỗ lực tăng giá, các chỉ số đều duy trì giá phía trên các đường trung bình. Mặc dù dòng tiền đổ vào thị trường có xu hướng gia tăng, nhưng nhiều khả năng thanh khoản khó duy trì bởi cầu mạnh của ngoại có thể mang tính thời điểm do một số quỹ ETF cơ cấu trong tuần này. Thêm vào đó, việc độ rộng thị trường lệch hẳn về số mã giảm với mức độ sụt giảm trên nhóm midcap lên đến hơn 2% rõ ràng cho thấy phiên giao dịch ngày hôm qua thiên về "phân phối" nhiều hơn là các diễn biến tích cực. Về mặt kỹ thuật, vnindex vẫn đang trong giai đoạn kiểm định lại các vị thế giá ở phía trên đường trung bình 20 ngày (1047.3 điểm) và vẫn còn quá sớm để khẳng định thị trường có khả năng bước vào xu hướng tăng giá và kháng cự trendline (1070) đang ngay sát phía trên. Do đó, các hoạt động giải ngân ở vùng giá hiện tại vẫn đang có xu hướng rủi ro và tỷ suất lợi tức kỳ vọng đến vùng kháng cự thấp hơn. Chính vì vậy, chúng tôi duy trì quan điểm nhà đầu tư nên quan sát diễn biến thị trường để có kế hoạch giao dịch phù hợp. Trong đó, cần chú ý nhóm midcap và có kế hoạch hạ vị thế trong trường hợp cổ phiếu trong danh mục vi phạm các ngưỡng hỗ trợ và chiến lược quản trị rủi ro đã thiết lập trước đó. Thông tin liên hệ: Hà Hoàng Tel: 094.369.7370 Mở tk: https://account.vdsc.com.vn/broker/CF2B4D1464A50A8839094110DB2171D2 Telegram: https://t.me/+NJLyfR4tIuxiNzI1 Zalo: https://zalo.me/g/uuvobu259

Phản ánh sự kiện SVB phá sản, thị trường khó có những diễn biến tích cực đột biến

Chỉ số Vnindex giảm nhẹ 2.95 điểm xuống 1053 điểm. Vn30 giảm 3.08 điểm xuống 1047.2 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số đều sụt giảm trở lại sau 4 phiên dòng tiền có dấu hiệu tích cực. Lực cầu mạnh từ ngoại là động lực chính giúp thị trường thu hẹp đà giảm. Theo đó, khối này mua ròng 449.97 tỷ vào rất nhiều nhóm ngành có tác động nhiều đến điểm số: dịch vụ tài chính, thép, bất động sản, bán lẻ, điện, vật liệu xây dựng…và cân lại toàn bộ nhóm nhà đầu tư nội bán ra giúp thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường hiếm hoi giữ được màu xanh trong tuần giao dịch vừa qua. Việc ngân hàng SVB phá sản đã gây ra mức độ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ khối tài chính ở Mỹ và đang lan rộng ra EU, Châu Á. Các nhà đầu tư đang lo ngại rằng sự thất bại này có thể làm giảm niềm tin vào lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng cỡ nhỏ và trung bình. Về mặt kỹ thuật, Vnindex vẫn đang củng cố giá phía trên đường trung bình 20 và 50 ngày. Phiên ngày thứ 6, thị trường có tín hiệu “từ chối” khi Vnindex kiểm định lại vùng hỗ trợ 1046 điểm nhằm kéo biên độ giao động của thị trường lên vùng 1046 – 1070 điểm. Tuy nhiên, dấu hiệu kéo giá không hề rõ ràng bởi sự hồi phục được duy trì ở cuối phiên và đặc biệt là phiên ATC. Thêm vào đó, tin tức về SVB xuất hiện với tần suất lớn trong những ngày cuối cùng đang là gánh nặng tâm lý cho nhà đầu tư Việt trong những phiên giao dịch đầu tuần. Cũng nên lưu ý rằng, nhóm nhà đầu tư nội đang là nhóm bán ròng mạnh nhất trong những phiên giao dịch gần đây và trong trường hợp nhóm này tiếp tục cắt lỗ vị thế mạnh hơn có thể thị trường sẽ lật đổ được sự cố gắng của khối ngoại – nhóm chỉ góp khoảng 20% thanh khoản của HOSE. Trạng thái thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn “nỗ lực tăng giá” khi các chỉ số chính tiếp tục duy trì trạng thái giao dịch phía trên vùng đáy 1013 điểm. Tuy vậy, vẫn chưa thể chắc chắn trạng thái này sẽ chuyển đổi theo hướng nào bởi yếu tố kỹ thuật và cơ bản vẫn chưa đồng nhất và dòng tiền còn khá thận trọng. Thêm vào đó, tuần giao dịch tiếp theo sẽ là tuần đáo hạn các hợp đồng phái sinh tháng, những giao dịch mang tính thời điểm nhằm mang lại vị thế có lợi cho cả 2 phe long hoặc short có thể gây ra các hiệu ứng bóp méo chỉ số. Thêm vào đó, việc thông tin SBV vẫn chưa phản ánh vào thị trường cũng sẽ gây ra những phản ứng tâm lý “khó dự đoán” cho thị trường. Mặc dù chúng tôi đánh giá tác động với thị trường Việt Nam có thể sẽ ít hơn do chúng ta đã có một đợt giảm mạnh do rủi ro trái phiếu và thanh khoản cuối năm 2022, tuy nhiên mức định giá chưa hấp dẫn và rủi ro cung ngoại khiến các vị thế mua mới khó có kết quả với tỷ lệ lợi nhuận tốt. Trong một tuần có quá nhiều ẩn số và có thể gây ra các tác động mạnh, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên đứng ngoài theo dõi diễn biến trước khi quyết định giải ngân. Thông tin liên hệ: Hà Hoàng Tel: 094.369.7370 Mở tk: https://account.vdsc.com.vn/broker/CF2B4D1464A50A8839094110DB2171D2 Telegram: https://t.me/+NJLyfR4tIuxiNzI1 Zalo: https://zalo.me/g/uuvobu259

Nỗ lực tăng giá - Cầu ngoại hỗ trợ, Vnindex vượt kháng cự xu hướng SMA50 (1054 điểm) 10/3/2023

Vnindex tăng nhẹ 6.77 điểm lên 1055.95. Vn30 tăng 9.69 điểm lên 1050.28 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số tiếp tục cải thiện mạnh so với ngưỡng bình quân 20 phiên. Lực cầu hỗ trợ từ ngoại đặc biệt vào nhóm VN30 giúp thị trường tiếp tục duy trì đà tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, dấu hiệu chốt lời nhẹ đang xuất hiện ở một số cổ phiếu dẫn sóng giai đoạn vừa rồi (thép, vật liệu, đầu tư công) khi nhóm này kiểm định lại vùng đỉnh cuối tháng 02. Trạng thái thị trường đang ở trong giai đoạn "nỗ lực tăng giá", rủi ro giảm giá suy giảm khi Vnindex và Vn30 đều đã lấy lại vùng giá phía bên trên các đường trung bình 20 ngày. Quan sát diễn biến trong phiên cho thấy nhóm ngoại đang có xu hướng đẩy NAV khi phần nhiều lực đẩy đều xuất hiện vào khoảng thời gian cuối phiên chiều và vào nhóm tác động mạnh lên chỉ số. Khối này mua ròng 189 tỷ vào nhóm thép, chứng khoán cân lại phần bán ròng của tự doanh (157 tỷ) và giúp thị trường có sự bứt phá đi ngược xu hướng chung của thế giới. Về mặt kỹ thuật, còn 1 chặng đường khá dài để chỉ số có thể xác nhận được xu hướng tăng khi các vùng kháng cự phía trên còn khá rộng. Xu hướng tích lũy trong biên độ 983 -1100 vẫn là hướng giao động chủ đạo của chỉ số từ tháng 12 cho đến nay và khó có khả năng phá vỡ khi vĩ mô vẫn chưa có sự chuyển biến đột phá. Áp lực từ việc FED mở rộng mục tiêu tăng lãi suất và các yếu tố rủi ro đặc thù (trái phiếu, địa chính trị) khiến nhà đầu tư còn khá rụt rè trong việc đẩy giá. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì chiến lược swing trade trong biên độ 983 -1100 (gần hơn trong vùng 1013-1070 điểm). Tỷ trọng giao dịch không quá 50% tài khoản.

Nỗ lực tăng giá - Cầu ngoại tích cực, Vnindex vượt kháng cự ngắn hạn 1046 điểm 9/3/2023

Vnindex tăng 11.34 điểm lên 1049.18 điểm. Vn30 tăng 13.43 điểm lên 1040.59 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số đều cải thiện so với phiên giao dịch liền kề và xấp xỉ bằng ngưỡng bình quân 20 ngày. Khối ngoại mua ròng giúp tâm lý thị trường ổn định hơn sau khoảng thời gian bán áp đảo đầu phiên. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua nhóm này mua ròng khoảng 183 tỷ trên HOSE tập trung chủ yếu vào 3 nhóm ngành: ngân hàng, chứng, thép. Thêm vào đó cầu nội tích cực từ nhóm đầu tư công (xây dựng, vật liệu...) giúp thị trường quay đầu tăng mạnh về cuối phiên. Trạng thái thị trường đang ở trong giai đoạn "nỗ lực tăng giá", cả 2 chỉ số đang có những phiên giao dịch tích cực nhất trong khoảng thời gian 2 tuần trở lại đây bằng việc duy trì giá phía trên đường kháng cự 20 ngày. Tâm lý nhà đầu tư có thể cải thiện hơn khi các chỉ số chính có thể ổn định được mức giá lớn hơn bình quân với sự hỗ trợ của dòng tiền ổn định. Về mặt kỹ thuật, còn rất sớm để khẳng định trend tăng của thị trường đã hình thành khi chỉ số chính vẫn chưa thể thoát khỏi biên độ 983-1122 điểm và gần nhất là kháng cự xu hướng trung hạn (1053 điểm), nhưng chúng ta có thể lạc quan hơn về sự tiếp diễn của đà phục hồi hiện tại. Cầu ngoại đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định yếu tố tâm lý bởi lực mua chủ yếu của nhóm này từ các cổ phiếu ảnh hưởng đến điểm số thị trường cao và cân lại đà bán ròng của tự doanh - vốn là nhóm đang định hướng thị trường "không hấp dẫn" trong ngắn hạn. Chúng tôi tiếp tục duy trì chiến lược giao dịch swing (mua ở hỗ trợ và bán ở kháng cự) với các vùng mục tiêu lợi nhuận khoảng 10% cho giai đoạn hiện tại cho đến khi thị trường có những dấu hiệu bứt phá rõ ràng hơn ra khỏi biên độ 983-1100. Nhóm cổ phiếu ưu tiên là các doanh nghiệp có các thông tin hỗ trợ ngắn hạn và triển vọng ngành khả quan (vật liệu, thép, dầu khí...)  

Thị trường tuần cuối tháng 02: Quán tính rơi vẫn còn tiếp diễn, thị trường có thể điều chỉnh về 980-1000 26/2/2023

Vnindex giảm 1.86% và Vn30 giảm 2.21% xuống lần lượt 1039.56 và 1030.42 trong tuần giao dịch thứ 4 của tháng 02. Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm midcap và rút ra khỏi Vn30. Thanh khoản trên Vnindex tăng nhẹ 8% so với mức bình quân 20 tuần và giảm nhẹ 11% trên Vn30. Áp lực phân phối mạnh trong tuần bất chấp các chỉ số chính đều giao dịch ngay sát vùng hỗ trợ bình quân 20 tuần. Biên độ giao động có xu hướng mở rộng về phía bán, lực cầu suy yếu ở hỗ trợ khiến các chỉ số đều đóng cửa ở vùng giá thấp nhất tuần. Trạng thái thị trường đang ở trong giai đoạn “điều chỉnh”, mặc dù có một số cổ phiếu vẫn duy trì được xu hướng tăng giá, nhưng áp lực từ toàn thị trường có thể sẽ khiến các cổ phiếu này khó mà đi ngược thị trường được. Trong một xu hướng giảm thường 70-80% cổ phiếu sẽ chạy theo diễn biến chung thị trường. Áp lực lãi suất, đồng DXY tăng mạnh trong khi ngân hàng nhà nước vẫn duy trì lãi suất tái cấp vốn 6% đang tạo ra rủi ro về độ lệnh khá lớn so với lãi suất của FED khiến khối ngoại đang có xu hướng rút ròng. Thống kê cho thấy khối này đã rút dòng đến 6 phiên liên tiếp với tốc độ tăng dần, trong đó áp lực lớn nhất về 2 nhóm bất động sản và ngân hàng vốn là 2 nhóm có tác động lớn nhất đến chỉ số. Dòng tiền nội mặc dù vẫn tích cực cân phần của ngoại nhưng xu hướng phân hóa mạnh vào midcap khiến chỉ số không có cơ hội hồi phục và thanh khoản ngày một sụt giảm. Bước sang tuần giao dịch tiếp theo, quán tính giảm vẫn sẽ tiếp tục duy trì và ngoại có thể sẽ tiếp tục bán ròng (ít nhất là qua ngày MSCI cơ cấu 28/2). Thị trường khả năng sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ 983-1000 điểm. Chiến lược: Chúng tôi duy trì quan điểm tiếp tục quan sát diễn biến thị trường ở các vùng hỗ trợ kể trên. Các vị thế ngắn hạn chỉ nên giải ngân khi có tín hiệu đảo chiều rõ ràng. Quán tính rơi hiện tại mặc dù không tác động mạnh đến vn30 nhưng trên midcap có thể tạo thành biên độ rơi lớn >10%. Biên độ này hoàn toàn không phù hợp với các vị thế giao dịch với mức cắt lỗ ngắn, tuy nhiên lại là cơ hội để mở những vị thế trung và dài hạn ở các ngưỡng giá chiết khấu sâu và tài khoản đủ sức “chống đỡ” với biên độ rộng.

Thị trường điều chỉnh - Cầu mạnh cuối phiên, Vnindex phục hồi từ hỗ trợ 1030 điểm 24/2/2023

Vnindex giảm nhẹ 0.62 điểm xuống 1053.66 điểm. Vn30 giảm nhẹ 0.13 điểm xuống 1050.95 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số tiếp tục duy trì quanh ngưỡng bình quân 20 ngày nhưng sụt giảm so với phiên giao dịch liền kề. Lực bán chủ động áp đảo cả phiên nhất là từ khối ngoại khiến thị trường phần lớn giao dịch trong trạng thái tiêu cực, có thời điểm Vnindex giảm sâu hơn 20 điểm và thậm chí xuyên thủng hỗ trợ ngày 14/2 về xuống ngưỡng 1030.58 điểm. Tuy nhiên, cầu mạnh bất ngờ chỉ khoảng 10 phút cuối phiên giao dịch giúp thị trường lấy lại hầu hết số điểm trong ngày và đóng cửa ngay gần ngưỡng tham chiếu. Xây dựng, vật liệu vẫn là những cái tên chính có động lực đẩy giá mạnh nhất với những cái tên quen thuộc: HHV, VCG, KSB, PLC, HT1... Trạng thái thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn "điều chỉnh", về mặt kỹ thuật các chỉ số vẫn chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm khi (1) giá vẫn đang giao dịch ở bên dưới mức giá bình quân 20 và 50 ngày, (2) cầu chưa thực sự rõ ràng khi lực kéo vội vàng chỉ xuất hiện vào cuối phiên và (3) phần lớn các phiên thị trường điều chỉnh đều có gia tốc và lực bán mạnh hơn rõ ràng so với các phiên đẩy giá trước đó. Sự lệch pha giữa vĩ mô (các vấn đề về căng thẳng lãi suất, tỷ giá) và thị trường chứng khoán khiến thị trường rất khó có thể có một sự bứt phá rõ ràng. Và khả năng thị trường có thể sẽ phải tích lũy đi ngang trong khi tìm kiếm sự "đồng pha" trong thời gian sắp tới. Về mặt kỹ thuật, các chỉ số có thể sẽ có những phiên kiểm định lại vùng kháng cự trước đó ( với vnindex quanh vùng 1054-1070 điểm).

Đầu tư công dẫn sóng, Việt Nam đi ngược diễn biến chứng khoán thế giới 20/2/2023

Các chỉ số chính đều duy trì trạng thái hỗ trợ trước đà bán mạnh hơn trong những phiên giao dịch về cuối tuần. Theo đó, chỉ số Vnindex đóng cửa tăng nhẹ 0.38% lên 1059.31 điểm và Vn30 tăng nhẹ 0.47% lên 1053.72 điểm trong tuần giao dịch thứ 3 của tháng 02. Diễn biến giằng co là vị thế chủ đạo trong các phiên giao dịch tuần trước, hai ngày đầu tuần lực bán chiếm ưu thế và đẩy chỉ số về sát vùng 1030 điểm, nhưng sau đó lực cầu hỗ trợ mạnh mẽ trong các phiên còn lại giúp chỉ số lấy lại đà cân bằng. Xét riêng diễn biến từng ngày chúng tôi thấy có sự đảo trụ diễn ra trong tuần vừa qua: nhóm bigcap – nhóm bị áp lực bán mạnh khi thiếu sự hỗ trợ của ngoại liên tục gây sức ép lên tâm lý thị trường, nhưng lực cầu nội đẩy mạnh vào câu chuyện “đầu tư công” giúp các cổ phiếu xây dựng, vật liệu… và lực cầu từ nhóm dầu khí tăng mạnh kịp giúp Việt Nam đi ngược lại diễn biến giao dịch của các thị trường lớn.   Không khó để nhận ra đường RS của những nhóm này đều có xu hướng đi lên và đẩy lên vùng >80 điểm nó cho thấy đây là những nhóm có hiệu suất tăng giá tốt nhất thị trường trong 1 năm trở lại đây. Thậm chí có một số lead trong nhóm đã có dấu hiệu vượt đỉnh (xây dựng(LCG), vật liệu (PLC),  dầu khí (PVD)… phần còn lại đa phần đóng cửa ở phía trên đường SMA20 ngày  trong khi Vnindex vẫn đang cố gắng lấy lại vùng giá này (1075). Việc chính phủ mạnh tay xử lí vi phạm, cộng với các giải pháp tháo gỡ thanh khoản (đẩy mạnh mua USD và thúc đẩy giải ngân đầu tư công), giảm chi phí vốn qua giảm lãi suất giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn. Quan sát chúng tôi nhận thấy, bất chấp lực cầu từ ngoại không còn mạnh và thậm chí có xu hướng bán trở lại (điển hình là DC đã nâng tỷ trọng tiền mặt lên 1.36%) nhưng thị trường vẫn duy trì được giá hỗ trợ trên đường 20 tuần từ nền thanh khoản yếu. Trạng thái thị trường vẫn đang trong giai đoạn “nỗ lực tăng giá”, rủi ro thị trường vẫn còn bởi yếu tố thanh khoản và cung từ nhóm vốn hóa lớn còn mạnh. Nhưng đà phân hóa đã bắt đầu xuất hiện ở các nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng qua viêc hưởng lợi từ chính sách và Trung Quốc mở cửa. Về kỹ thuật, mặc dù thanh khoản giảm nhưng tỷ lệ các cổ phiếu vượt SMA20 (nhất là ở nhóm midcap) đang gia tăng tích  cực hơn so với tuần giao dịch trước đó. Nó cho thấy trong các nhóm cổ phiếu này tỷ lệ chấp nhận mua giá bình quân cao hơn đang có xu hướng gia tăng. Trong tuần giao dịch tiếp theo, chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ có những giao động mang tính giằng co mạnh hơn để kiểm định lại các ngưỡng hỗ trợ (1045-1054) nếu trong trường hợp ngoại tiếp tục bán ròng khỏi nhóm cổ phiếu bluechips (nhóm tác động nhiều đến điểm số và cũng là nhóm được ngoại đẩy giá trở lại tương ứng vùng 1300 điểm trước đây). Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, dấu hiệu phân hóa cũng có thể xảy ra và có một số cổ phiếu (đặc biệt trong nhóm midcap) vẫn có thể duy trì lực cầu cũng như hiệu suất giá tốt hơn mặt bằng chung. Chính vì vậy, trong trường hợp lựa chọn được các cổ phiếu tốt trong danh mục, nhà đầu tư có thể tiếp tục thực hiện chiến lược giải ngân pullback khi cổ phiếu kiểm định lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn với tỷ trọng hợp lý.

Nỗ lực tăng giá - Thị trường có thể quay trở lại giao dịch ở biên độ 1054-1075 16/2/2023

Vnindex tăng 9.56 điểm lên 1048.2 điểm. Vn30 tăng 8.41 điểm lên 1043.34 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số tăng mạnh lần lượt 46% và 65% so với phiên giao dịch liền kề và kéo trở lại ngưỡng bình quân 20 ngày. Đà tăng trên thị trường được hỗ trợ ngay từ đầu phiên bởi giao dịch tích cực từ nhóm xây dựng, vật liệu sau đó lan tỏa mạnh ra các nhóm ngành khác như thủy sản, hóa chất, dệt may, bất động sản, chứng khoán... với mức tăng bình quân đều >2%. Tuy vậy, dòng tiền có xu hướng giao dịch thận trọng hơn khi về cuối phiên giao dịch. Trạng thái thị trường được chuyển sang giai đoạn "nỗ lực tăng giá" khi các chỉ số chính duy trì được phiên thứ 3 liên tiếp không có đáy mới. Các chỉ số cho thấy nỗ lực cố gắng xây dựng hỗ trợ quanh đường trung bình 50 ngày, tuy nhiên rủi ro vẫn còn lớn khi cả vnindex và vn30 vẫn đang giao dịch ngay sát bên dưới đường trung bình này. Về mặt kỹ thuật, chỉ số cần có một vài phiên để kiểm định lại hỗ trợ này và có động thái bứt phá rõ ràng hơn trước khi khẳng định đà tăng sẽ quay trở lại. Rào cản lớn giai đoạn hiện tại đến từ việc chỉ số DXY tăng mạnh gây áp lực lên tỷ giá và các thông tin về bắt bớ và rủi ro trái phiếu bủa vậy. Điều tích cực hơn so với giai đoạn trước đó ở việc phản ứng của nhà đầu tư đã không theo hướng "vơ đũa cả nắm" bởi áp lực tiêu cực chỉ có diễn biến ở cổ phiếu có liên quan thay vì mở rộng ra toàn bộ nhóm ngành. Trong phiên giao dịch ngày hôm nay, có thể vnindex sẽ kiểm định lại vùng giá kháng cự được tạo thành bởi đường bình quân 20 và 50 ngày ( 1054-1075), đây sẽ là vùng quyết định hành động giá của thị trường trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần quan sát kỹ các dấu hiệu "phân phối" hay "tích lũy" để có hành động quản trị rủi ro hợp lý cho tài khoản. Tuy nhiên, trạng thái "nỗ lực" cho thấy có thể mở một số vị thế mua thăm dò nếu cầu tốt phía trên vùng 1054 điểm, ưu tiên vào các vị thế có sẵn trong tài khoản.

Dòng tiền bị thu hút bởi những câu chuyện riêng

Thấy gì trong phiên VNINDEX đỏ lửa! Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Thế giới đang có những bước tiến khá vững chãi, VNINDEX có phiên sụt giảm đóng cửa ở ngưỡng thấp nhất phiên. Mặc dù đà bán không lớn ( thanh khoản thấp) nhưng lực cầu cũng cũng không có nên khó duy trì được lâu và có xu hướng kéo xả nhiều hơn. Điều này thể hiện rõ qua khung intraday (5m,15m) khi thị trường cố gắng duy trì và đẩy chỉ số qua các đường MA tuy nhiên áp lực bán xuât hiện ngay liên tục và bán đè cuối ngày. Mặc dù thị trường bị bán tuy nhiên vẫn có màu sắc riêng.Một số nét tương sáng với những câu chuyện riêng biệt như Thủy sản, Đầu tư công. Điều này cho thấy vẫn có những cơ hội ngách và dòng tiền nội đang hướng tới các câu chuyện thực sự hấp dẫn chứ không rời đi hoàn toàn. Chiến lược: Thời điểm này về mặt xu hướng thị trường vẫn chưa có những biến chuyển thực sự nào lớn. VNINDEX phải lấy lại mốc 1080 trước khi nghĩ đến việc đi xa tiếp hay chỉ khi nào thủng vùng 1020-1040,  việc bán cổ phiếu mới là điều ưu tiên  trong ngắn hạn. Giờ là lúc NĐT theo dõi đâu là cổ phiếu dẫn dắt, đâu là cổ phiếu yếu  Câu chuyện hôm nay Nhắc đến các cổ phiếu “Yếu”, BĐS là nhóm tôi đánh về mặt kỹ thuật và chỉ số sức mạnh RS được xếp đội sổ. Bất chợt tôi nhìn thấy bức ảnh dưới đây Bất động sản ngoài kia đang thực sự ảm đạm, giống cái cách cổ phiếu Bất động sản đang “ế” trên sàn. -      Phó Thống đốc tóm tắt các đề xuất các NHTM đi sâu vào khó khăn của thị trường tín dụng BĐS như: +       Hạn mức cấp tín dụng phải cởi mở: Hiện room tín dụng đã dư dả, không còn vấn đề về hạn mức room tín dụng ảnh hưởng đến cho vay BĐS nữa. NHNN chỉ quy định tăng trưởng tín dụng cho toàn nền kinh tế, không quy định riêng room cho lĩnh vực BĐS, các banh chủ động cấp TD cho lĩnh vực BĐS. +       Cơ cấu nợ: Các nội dung thuộc thẩm quyền NHTM các NHTM chủ động thực hiện. Về cơ chế của NHNN cũng rất cần thiết, do không phải một sớm một chiều nguồn vốn quay lại thị trường, và người mua quay trở lại thị trường BĐS. Việc cơ cấu nợ là rất có ý nghĩa đối với DN. Tuy nhiên, nếu làm chính sách này, các doanh nghiệp khác, các ngành khác như du lịch, hàng không… cũng sẽ có ý kiến, cũng yêu cầu cơ chế tương tự, không thể chỉ ưu ái cho lĩnh vực BĐS. BĐS cũng chưa phải là đối tượng ưu tiên cấp tín dụng, nên đề xuất này là rất khó, tuy nhiên NHNN cũng sẽ tiếp thu và nghiên cứu. Vấn đề này cần Chính phủ điều hành. +       Ổn định lãi suất: NHNN chưa thể khẳng định sẽ hạ lãi suất, tuy nhiên sẽ cố gắng kiểm soát lãi suất, kiểm soát chặt lạm phát. +       Đề xuất NHTM được mua lại  TP BĐS: NHNN không tán thành do phải đảm bảo an toàn cho hệ thống. Đoạn nội dung trên tôi xin đề cập lại để cho thấy rằng việc hy vọng vào thị trường BĐS trong thời gian tới sớm trở lại thật sự khó khăn.Nếu thị trường có sự điều chỉnh giống với kịch bản trước đó chúng tôi đang chờ đợi thì hãy lựa chọn những câu chuyện đủ hấp dẫn hơn như tôi đề cập ở phần “thị trường”    ( Tham gia cùng chúng tôi để được nhận nhiều bài viết hơn)

Tăng dưới áp lực bán - Phân phối mạnh, Vnindex có thể điều chỉnh về lại vùng 1060 -1040 2/2/2023

Bất chấp tín hiệu tích cực hôm qua, thị trường tăng điểm bất thành và bất ngờ sụt giảm nhanh trong 30 phút cuối cùng của phiên giao dịch hôm nay. Theo đó, hầu hết các nhóm ngành đều đã quay đầu, chìm trong sắc đỏ và số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo trên toàn thị trường. Chỉ số Vnindex giảm 3.17% xuống 1075.97 điểm, thanh khoản tăng kỷ lục và chạm ngưỡng gần 1 tỷ cổ phiếu ( 974 triệu) mức cao nhất kể từ khi thị trường tạo đáy ngày 26/12 đến nay. Nhóm chứng khoán, nhóm Thép, nhóm Ngân hàng, nhóm Hóa chất … là những nhóm có tác động tiêu cực trực tiếp đến thị trường. Khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại và tâm điểm vẫn là cp HPG (+201 tỷ), theo sau là HCM, HDB, STB, BID với giá trị dưới 50 tỷ. Ngược lại, họ bán nhiều VHM, DGC, VNM, MSN, CTG.., hôm nay. Trạng thái thị trường chuyển sang giai đoạn "Tăng dưới áp lực bán", Vnindex có phiên phân phối thứ 2 (trong đó nhóm bank có phiên phân phối thứ 3 trong 4 phiên giao dịch gần nhất) và xuyên thủng đường hỗ trợ SMA10. Dư địa bán có thể vẫn còn lớn và tác động đến phiên giao dịch tiếp theo khiến thị trường có khả năng sẽ kiểm định lại hỗ trợ bình quân 20 và 50 ngày (quanh ngưỡng 1040 -1060 điểm). Phần đông giới đầu tư vẫn đang trông chờ những động thái tiếp theo của các quốc gia lớn khi FED quyết định sẽ tăng lãi suất 0.25% trong cuộc họp tháng 02 và đặt kỳ vọng vẫn sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa nhưng có thể không quá 4.9% cho năm 2023. Giai đoạn áp lực tăng giá luôn là giai đoạn khó khăn cho việc kiếm lời với những rủi ro tăng cao, chính vì vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng, một số vị thế mua pullback có thể xem xét nhưng cần có những dấu hiệu đảo chiều rõ ràng trước khi quyết định xuống tiền. Tỷ trọng cổ phiếu khuyến nghị duy trì nắm giữ khoảng 50-70%.

Trạng thái giằng co có thể sẽ tiếp diễn trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 16/1/2023

Vnindex tăng 0.83% và Vn30 tăng 1.18% trong tuần giao dịch vừa qua với mức đóng cửa của 2 chỉ số lần lượt tại 1060.17  và 1069.86 điểm. Thanh khoản cả 2 chỉ số đều duy trì ổn định trong 3 tuần giao dịch gần nhất và thấp hơn khoảng 25% so với mức bình quân 20 tuần. Nhóm đầu tư công (xây dựng, vật liệu…), tài chính (chứng khoán, ngân hàng…) và xuất khẩu (thủy sản) tiếp tục là điểm sáng giúp thị trường duy trì lượng thanh khoản cần thiết. Khối ngoại tiếp tục tích lũy thêm 953 tỷ cổ phiếu trên HOSE. Trạng thái các chỉ số đều trong giai đoạn “khẳng định xu hướng tăng giá”, với diễn biến giao dịch chủ đạo là các vị thế thăm dò đỉnh cũ nhằm thoát khỏi điểm đảo chiều xu hướng 20 tuần (1072 điểm của Vnindex). Đồng USD giảm mạnh được coi là một trong những nhân tố chính giúp thị trường ổn định sau khi ngân hàng nhà nước có đợt mua ròng mạnh USD trong mấy phiên vừa qua. Bước sang tuần giao dịch cuối cùng của năm, với những thông tin vĩ mô mang tính ổn định và xu hướng bán chốt lời ăn tết, có thể thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tích lũy ở quanh biên độ 1040 -1072 điểm. Điểm yếu về thanh khoản khiến thị trường khó bứt phá và tâm lý của phần đông giới đầu tư là nghỉ ngơi bởi chúng ta có 1 tuần nghỉ lễ trong khi các thị trường lớn vẫn giao dịch bình thường. Theo đó, chỉ số có thể sẽ có thêm 1 tuần tích lũy tạo nền và có thể sẽ là tuần thứ 2 liên tiếp Vnindex giao dịch quanh ngưỡng 1% kể từ vùng 1060 điểm. Về mặt kỹ thuật, diễn biến giao dịch hiện tại đang khá giống vơi viêc tạo mẫu hình 3 weektight có diễn biến với 3 tuần giằng co liên tiếp và chỉ số biến động cuối cùng không quá 1%. Chính vì vậy, chiến lược giao dịch swingtrade biên độ hẹp được chúng tôi tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư trong việc lựa chọn các vị thế giao dịch trong tuần tới. Trong đó, nhà đầu tư có thể mua khi thị trường điều chỉnh về quanh vùng 1040 -1045 điểm và canh bán ở vùng 1065-1075 điểm. Các vị thế mua BO cần hết sức thận trọng bởi có thể sẽ xuất hiện các khoản lỗ 5-7% khi chúng ta mua đuổi nhóm midcap và chỉ số thất bại ở các ngưỡng kháng cự trên 1070 điểm.

Giao dịch giằng co biên độ hẹp, chỉ số vẫn thiếu động lực bứt phá ra khỏi vùng 1065 điểm 13/1/2023

Vnindex tăng 0.63 điểm lên 1056.39 điểm. Vn30 tăng 1.02 điểm lên 1066.24 điểm. Thanh khoản trên cả 2 sàn sụt giảm trở lại sau phiên test đỉnh 1065 thất bại trước đó. Khối ngoại tiếp tục mua ròng thặng dư thêm 266 tỷ trên HOSE nâng tổng tiền mua ròng trong 50 phiên gần nhất lên 30,682 tỷ đồng. Phần lớn thời gian thị trường có xu hướng giao dịch giằng co trong biên độ hẹp khoảng 10 điểm (1050-1060 điểm) và chưa có dấu hiệu bứt phá. Chúng tôi nhận thấy có những giao dịch mang tính định hướng về điểm số ở một số cổ phiếu: VCB, MSN, SAB…đây là những cổ phiếu có tác động nhiều đến điểm số và rõ ràng không có phản ánh hết diễn biến thị trường cũng như nhóm VN30. Trạng thái thị trường đang ở trong giai đoạn “khẳng định xu hướng tăng giá” với dòng tiền dịch chuyển khá linh hoạt giữa các nhóm ngành trong nhóm midcap. Các giao dịch đều có tần suất khá nhanh, ngoài nhóm xây dựng, vật liệu phần đông các giao dịch đều có xu hướng giao dịch trong T+. Tuy vậy, một số cổ phiếu trong 2 nhóm này (VCG, KSB, PLC..) đang tiến sát đến ngưỡng kháng cự SMA200, rất có thể đây sẽ là áp lực bán tiềm năng của nhóm này trong thời gian tới nhất là khi gia tốc tăng của nhóm đang có xu hướng giao dịch khá nóng trong khi thời điểm báo cáo nhóm này đang đến gần. Vẫn còn nhiều số liệu chưa thực sự tốt và nhà đầu tư cần để ý những biến động tiêu cực có thể xuất hiện trong ngắn hạn. Giai đoạn này thị trường đang có xu hướng tách thành 2 nhóm giao dịch: nhóm cá nhân bán mạnh nhóm bluechip cho ngoại và tự doanh (vốn là 2 nhóm nhà đầu tư rất tích cực giao dịch cả 2 thị trường cơ sở và phái sinh) trong khi lại mở rộng mua ròng ăn theo các game kỳ vọng cho năm 2023: đầu tư công, dầu khí và xuất khẩu (câu chuyện Trung Quốc mở cửa). Việc giá DXY giảm mạnh trước số liệu lạm phát tốt hơn mong đợi mở ra dư địa cho NHNN thỏa sức mua USD (do giá bán đã thấp hơn giá chặn) và qua đó có nhiều dư địa bơm thêm thanh khoản ra ngoài thị trường. Sự hỗ trợ này có thể mang lại kỳ vọng cho thị trường qua vùng 1100 điểm. Nhưng điều cốt yếu vẫn là ở nhóm tự doanh và ngoại đang có ý định gì với chỉ số?. Xu hướng chốt lời nghỉ tết vẫn đang diễn ra và vì vậy mặc dù trạng thái thị trường tích cực nhưng chúng ta vẫn nên ưu tiên giải ngân khi cổ điều chỉnh về vùng hỗ trợ hoặc mua bổ sung ở vị thế BO với tỷ lệ đặt cược nhỏ trên vị thế có sẵn (có thể xử lý trong ngày).  

Áp lực bán gia tăng, Vnindex không thể duy trì động lực tăng giá trên vùng 1065 điểm

Vnindex tăng nhẹ 2.41 điểm lên 1055.76 điểm. Vn30 tăng 4.69 điểm lên 1065.22 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số đều cải thiện so với phiên giao dịch liền kề và tiến sát đến ngưỡng bình quân 20 ngày.Áp lực bán từ một số cổ phiếu trong Vn30 như VRE, GAS, VCB, VNM… là nguyên nhân chính khiến thị trường không thể giữ được biên độ tăng giá mạnh đầu phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng thêm 246 tỷ tập trung vào một số nhóm: bất động sản, chứng khoán, quỹ…trong khi thoái vốn mạnh khỏi nhóm hóa chất (bán tổng cộng 33 tỷ). Chỉ số tăng mạnh đầu phiên trước thông tin ngân hàng nhà nước tiền hành mua USD khi tỷ giá về vùng giá chặn, sau đó bị điều chỉnh dần về cuối phiên trước áp lực chốt lời mạnh. Dòng tiền đang có xu hướng giao dịch xoay vòng giữa các nhóm ngành trong đó chốt lời các nhóm: xây dựng, vật liệu… và mua vào nhóm chứng khoán, bất động sản (đặc biệt là khu công nghiệp).   Trạng thái thị trường vẫn đang trong giai đoạn “khẳng định xu hướng tăng giá”, Vnindex vẫn chưa thể mở rộng xu hướng tăng điểm khi thất bại ngay ở ngưỡng biên trên của vùng 1040-1065 điểm. Nến đóng cửa ở vị thế thấp nhất phiên đang cho thấy người bán vẫn đang tạm thời chiếm ưu thế. Nhưng nếu xét theo yếu tố thành phần một số cổ trong nhóm midcap đang có xu hướng giao dịch tích cực hơn, các nhóm cổ phiếu bị chốt lời đa phần tiến về ngưỡng kháng cự tháng 12 hoặc dư địa bán phiên trước đó. Do vậy, các giao dịch trong phiên ngày hôm nay đa phần mang ý nghĩa kiểm định hơn là dấu hiệu phân phối hoặc đẩy giá. Vì vậy, trạng thái giằng co biên độ 1040-1070 vẫn là diễn biến giao dịch của thị trường trong các phiên sắp tới. NĐT có thể thực hiện các chiến lược giao dịch xoay vòng với việc giải ngân ở các vùng hỗ trợ kỹ thuật của cổ phiếu và bán ở kháng cự hơn là dùng chiến lược mua breakout giá cao, ít nhất cho đến khi Vnindex vẫn chưa thể thoát khỏi vùng 1065-1070 điểm.

Nhóm đầu tư công nổi sóng, thị trường hồi phục về trạng thái giằng co

Vnindex giảm nhẹ 0.86 điểm xuống 1053.35 điểm. Vn30 giảm nhẹ 0.61 điểm xuống 1060.53 điểm. Thị trường khởi đầu phiên với những giao dịch thận trọng, áp lực chốt lời trước tâm lý nghỉ lễ khiến thị trường thiếu hụt động lực đẩy giá. Lực cầu ngoại vẫn duy trì tích cực nhưng vẫn không đủ để đỡ thị trường khi các trụ tiếp tục bị chốt lời. Cầu hồi phục chỉ thực sự rõ ràng hơn khi bất ngờ nhóm xây dựng nổi sóng và thị trường quay trở về test hỗ trợ 1045 điểm giúp chỉ số kịp thời quay trở lại vùng giằng co biên độ hẹp 1040-1070 điểm. Trạng thái thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn “khẳng định xu hướng tăng giá”, các chỉ số chính đều duy trì vùng giá phía bên trên đường SMA20. Thanh khoản có xu hướng cải thiện hơn nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng bình quân 20 ngày. Niềm tin yếu và tâm lý nghỉ tết vẫn chi phối nhóm nhà đầu tư cá nhân khi nhóm này tiếp tục duy trì đà bán ròng thêm khoảng 588 tỷ trong phiên ngày hôm nay. Về kỹ thuật, chỉ số vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá khi vùng giằng co khoảng 30 điểm vẫn là vùng giao dịch chính của thị trường trong 4-5 phiên trở lại đây. Dòng tiền yếu khiến thị trường phân hóa khá mạnh và hình thành 2 nhóm giao dịch: (1) nhóm kiểm định lại đỉnh cũ đầu tháng 12 (đầu tư công, xây dựng, vật liệu, chứng khoán, ngân hàng…) vốn là những nhóm có thông tin hỗ trợ ngắn hạn và (2) các nhóm có triển vọng ngành trung lập hoặc kém tích cực (bán lẻ, hóa chất, bất động sản…). Nhưng nhìn chung dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu rút ra khỏi nhóm nào mà có xu hướng giao dịch xoay vòng với cầu mua ở vị thế nền và bán khi mở rộng gia tốc tăng giá. Trong giai đoạn này, rất khó có thể xác định được xu hướng tiếp theo của chỉ số khi chưa thấy dấu hiệu bứt phá rõ ràng cũng như dòng tiền lệch pha vào 1 nhóm nào đó ổn định trong 1-2 tuần. Ưu thế có thể đang thuộc về nhóm đầu tư công nhưng cũng có thể đảo chiều nếu trong trường hợp báo cáo quý IV của nhóm còn yếu. Rõ ràng “lợi nhuận” sẽ không thể ngay lập tức phản ánh vào báo cáo và nhóm này vẫn sẽ còn 1-2 quý khó khăn và áp lực bán có thể gia tăng khi những thông tin kém tích cực hơn xuất hiện. Vì vậy, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm giao dịch 1 cách thận trọng giữa 2 vùng 1040-1070 điểm, theo đó chiến lược swing trong biên độ hẹp vẫn được ưu tiên thay vì các vị thế mua breakout, nhất là vị thế mua mới. NĐT có thể tận dụng những nhịp bán bất ngờ trong phiên để giải ngân thêm vị thế cũng như tận dụng lúc đẩy fomo vượt đỉnh để cân nhắc chốt lời cho đến khi thị trường chung có dấu hiệu bứt phá rõ ràng hơn ra khỏi vùng 1070 điểm. Về mặt tích cực, chúng tôi bảo lưu quan điểm Vnindex có thể đạt mục tiêu 1130 +/-20 điểm trong giai đoạn sắp tới.

Ý tưởng đầu tư ngày 10/01/2022: ANV

Mỗi ngày một cổ phiếu Dự báo lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023 với một số lý do sau Giá bán bình quân sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ năm 2023 Lượng đơn đặt hàng tăng chậm Chi phí tài chính tiếp tục ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận ròng Mặc dù vậy chúng tôi vẫn đánh giá cao một số doanh nghiệp sẽ có sự khác biệt trong nửa đầu năm 2023 trong ngành như IDI,ANV     với thông tin bổ trợ từ thị trường TQ mở cửa. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, chúng tôi tin rằng điều đó sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Hoa Kỳ và EU.   Với dòng tiền chạy theo kỳ vọng, những động thái đầu tiên đã giúp ANV có mức tăng ấn tượng trong vài phiên trở lại đây và lọt vào danh mục “ gần điểm mua”. ANV vượt vùng đỉnh ngắn hạn 26.95 và bắt đầu có những động thái retest vùng kháng cự bứt phá trước đó. Chỉ số sức mạnh RS Rating đạt 53/99 điểm ở mức KHÁ nhưng đang có xu hướng vượt đỉnh. Với diễn biến dòng tiền mạnh mẽ ANV sẽ là ý tưởng không tồi trong nhịp mua pullback sắp tới. Để nhận tư vấn tham gia tại iOS https://wingroup.page.link/6eZ4 Android https://wingroup.page.link/n3UL Để tham khảo các ý tưởng, cổ phiếu trong ngày xin mời tham gia tại  https://app.fiinboard.com Để mở tài khoản chứng khoán: https://account.vdsc.com.vn/broker/5CFE0C3EA4C0BDAF264FFA432E119C96   

Khẳng định xu hướng tăng giá - Vĩ mô cải thiện, VNindex có thể kiểm định 1100 trước nghỉ lễ 8/1/2023

Các chỉ số chính đều đồng loạt tăng điểm trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023. Chỉ số Vnindex tăng 4.4% lên 1051.44 điểm, trong khi Vn30 tăng đến 5.19% lên 1057.4 điểm. Thanh khoản trên cả 2 chỉ số duy trì ổn định so với tuần giao dịch liền kề. Khối ngoại mua ròng với tổng giá trị thặng dư lên đến 3,925 tỷ đồng trái ngược với đà bán ròng mạnh kỷ lục từ nhóm nhà đầu tư cá nhân. Về diễn biến chỉ số: Vnindex đã duy trì 3-4 phiên tăng điểm liên tiếp trong ngày đầu năm và chỉ điều chỉnh nhẹ khi chạm lại vùng kháng cự 1065 điểm – vùng giá mà Vnindex không thể vượt qua trong tuần cuối cùng của năm. Vĩ mô của Việt Nam đã tương đối ổn định với mặt bằng tỷ giá thấp và thanh khoản được cải thiện trong khoảng 2 tuần cuối cùng của năm và kéo dài cho đến hiện tại. Trong khi tình hình thế giới cũng đang có những chuyển biến tích cực ở dòng tiền đầu tư vào kênh chứng khoán, đồng USD bị bán ra khá mạnh trước những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tác động và làm suy thoái kinh tế Mỹ với lương giảm và lượng đơn đặt hàng thấp kỷ lục. Trạng thái thị trường vẫn duy trì trong giai đoạn “khẳng định xu hướng tăng giá” với ngày lấy đà xuất hiện vào phiên ngày 3/1. Nhìn về ngắn hạn, chỉ số vẫn đang trong giai đoạn kiểm định lại kháng cự 1099 điểm với lực đỡ mạnh từ ngoại và tự doanh. Trong trường hợp tích cực khi dòng tiền cá nhân quay trở lại tham gia vào thị trường có khả năng Vnindex có thể thoát khỏi vùng giá tích lũy 983-1099 điểm trước tết âm. Tuy vậy, chúng ta không thể đặt cược hết vào kỳ vọng khi các số liệu cho thấy thanh khoản còn yếu và nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng vượt cạn. Điều tích cực nhất là chỉ số đang có 1 nhịp pullback khá đẹp với việc thiết lập hỗ trợ ngày 27/12 (983) cao hơn đáng kể so với ngưỡng thấp trước đó (873 điểm). Và do vậy chúng ta vẫn có thể đặt cược với tỷ lệ cao hơn dành cho việc tăng giá. Giai đoạn này nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược “giải ngân từng phần” trong đó ưu tiên mở rộng trên các vị thế có sẵn. Chỉ số đã hồi phục trở lại vùng kháng cự phía trên ngưỡng 1050 và điều đó cũng có nghĩa rằng phần đông vị thế đã quá điểm mua hợp lý với mức độ tăng giá tương đối lớn. Và quá rủi ro nếu chúng ta khởi đầu bằng 1 vị thế mua đuổi với tỷ trọng lớn giai đoạn hiện tại. Ở ngưỡng thích hợp chúng tôi cho rằng NĐT có thể duy trì tỷ trọng tài khoản với 70-100% cổ phiến trong danh mục và tránh sử dụng margin ở ngưỡng cao. Hãy quan tâm đến các cổ phiếu có dòng tiền lớn mở rộng và có sức mạnh giá (RS) cao và đường RS hướng lên. Vị thế mua mới có thể là các vị thế pullback còn điểm mua trong khi mở rộng là các vị thế mua BO với tỷ trọng thấp. Nhóm ngành nhà đầu tư có thể ưu tiên: Chứng khoán, xây dựng, vật liệu, ngân hàng, điện, khu công nghiệp, nước, thủy sản….trong đó lợi thế sẽ thuộc về những doanh nghiệp có thông tin hỗ trợ ở giai đoạn hiện tại (cổ tức tiền mặt, có kế hoạch giảm vốn, ban lãnh đạo đăng ký mua vào lượng lớn, thông tin kinh doanh quý IV khả quan…)

Ứng dụng WinTrades có sẵn cho mọi nền tảng. Hãy tải ngay bây giờ!

Để hỗ trợ nhà đầu tư tốt nhất, chúng tôi cung cấp ứng dụng đa nền tảng, thiết kế thân thiện cho nhà đầu tư dễ dàng sử dụng, và nhận thông báo kịp thời để ra quyết định.